Quân chủ chuyên chế cuối cùng Prajadhipok

Prajadhipok trong ngày đăng cơ

Chưa chuẩn bị nhiều cho nhiệm vụ mới, song Prajadhipok là người thông minh, có tài ngoại giao với người khác, khiêm tốn và hiếu học. Tuy nhiên, ông phải kế thừa các vấn đề nghiêm trọng từ người tiền nhiệm, trong đó cấp bách nhất là vấn đề kinh tế. Quốc khố thâm hụt nặng nề, và tài chính của vương thất rất gay go, trong khi đó trên thế giới đang diễn ra Đại khủng hoảng.

Trong vòng nửa năm, chỉ ba trong số 12 bộ trưởng dưới thời Vajiravhud tiếp tục phụng sự tân quốc vương, những người còn lại bị thay thế bằng các thành viên trong vương thất. Mặc dù những người được bổ nhiệm có tài năng và kinh nghiệm, song điều này cũng là dấu hiệu của nền chính trị đầu sỏ vương thất. Quốc vương rõ ràng có ý thể hiện rằng muốn đoạn tuyệt với triều đại thứ sáu mất tín nhiệm, và sự lựa chọn nhân sự cho các vị trí cấp cao của ông thể hiện ước muốn khôi phục một chính phủ theo kiểu Chulalongkorn.[2]

Trong khi tiến hành cải cách để khôi phục lòng tin đối với quân chủ và chính phủ, Prajadhipok trong hành động gần như là đầu tiên trên địa vị quốc vương, đã công bố thiết lập Hội đồng Tối cao Nhà nước Xiêm. Hội đồng cơ mật này được hình thành từ một số thành viên có kinh nghiệm và rất có thẩm quyền của vương thất, bao gồm nguyên Bộ trưởng Nội vụ (và là cánh tay phải của Quốc vương Chulalongkorn), Vương tử Damrong Rajanubhab. Các vương tử này dần củng cố quyền lực cho bản thân, giữ độc quyền toàn bộ các vị trí bộ trưởng chủ yếu và bổ nhiệm con hoặc em vào các chức vụ hành chính và quân sự. Nhiều người trong số họ cảm thấy đó là nhiệm vụ mà họ phải thực hiện để sửa đổi những sai lầm của triều đại trước, song các hành động của họ nói chung không được đánh giá cao, do chính phủ thất bại trong việc truyền đạt với công chúng về mục đich của các chính sách mà họ theo đuổi là nhằm khắc phục phung phí tài chính dưới thời Vajiravhud.[3]

Không giống như người tiền nhiệm, Prajadhipok cần mẫn đọc hầu như toàn bộ các văn thư quốc gia, từ những đệ trình của bộ trưởng cho đến thỉnh cầu của thần dân. Quốc vương tiếp nhận bình luận và gợi ý từ một loạt các chuyên gia và nghiên cứu chúng một cách cẩn thận, lưu ý đến những điểm tốt trong mỗi đệ trình, song khi có sẵn nhiều lựa chọn khác nhau thì ông hiếm khi có thể chọn ra một và loại bỏ những phương án khác. Ông cũng thường dựa vào Hội đồng Tối cao để có thể đưa ra hướng giải quyết cụ thể.

Năm 1932, quốc gia đắm chìm trong đình trệ, Hội đồng Tối cao lựa chọn cách tiền hành cắt giảm chi tiêu công, bảng lương dân sự, ngân sách quân sự. Quốc vương đã nhìn thấy trước rằng các chính sách có thể gây nên bất mãn, đặc biệt là trong quân đội, và do đó ông đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt gồm các quan chức để giải thích tại sao việc cắt giảm lại cần thiết. Trong bài nói chuyện, ông mở đầu:

Bản thân trẫm không biết gì về tài chính, và toàn bộ những gì Trẫm có thể làm là lắng nghe ý kiến của người khác và lựa chọn điều tốt nhất... Nếu Trẫm có sai sót, Trẫm thực đáng được người dân Xiêm thứ lỗi.

Nhiều người giải thích những lời của ông không phải là một lời kêu gọi thẳng thắn để thông cảm và hợp tác, mà là một dấu hiệu cho sự yếu kém của ông và chứng minh rằng hệ thống cai trị chuyên quyền có thể sai lầm nên bị thủ tiêu.[4]

Quốc vương Prajadhipok chuyển sự chú ý sang vấn đề chính trị tương lai của Xiêm. Lấy cảm hứng từ Anh Quốc, Quốc vương muốn cho phép thường dân có tiếng nói trong các vấn đề của quốc gia bằng việc thiết lập một nghị viện. Một hiến pháp dự trù được lệnh soạn thảo, song các ước muốn của Quốc vương bị các cố vấn bác bỏ. Đứng đầu trong số họ là Vương tử Damrong và Francis B. Sayre, cố vấn của Xiêm trong các vấn đề đối ngoại, họ cảm thấy rằng cư dân Xiêm chưa chín chắn về chính trị và chưa sẵn sàng cho dân chủ[5] - một kết luận mà những người sáng lập Đảng Nhân dân cũng chủ trương.[3]